Những chiếc lồng bàn có giá 30 triệu đồng được đan bằng sợi nan nhỏ như chỉ, trắng muốt, nặng 290 gram, người mua không dùng đậy mâm cơm mà trưng trong nhà như vật quý. Đó là những sản phẩm thủ công được vợ chồng ông Trần Văn Khá, 75 tuổi và bà Nguyễn Thị Tiến, 72 tuổi, sáng tạo ra.
Cặp vợ chồng sáng tạo ra những chiếc lồng bàn có giá 30 triệu đồng
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25 km, làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) nổi tiếng với nghề mây tre đan hơn 400 năm. Sản phẩm của làng thời xưa có tác phẩm thư pháp chữ Hán đan bằng mây hiện được lưu giữ tại bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của thời nay là chiếc lồng bàn “màn tuyn” được vợ chồng ông Trần Văn Khá, 75 tuổi và bà Nguyễn Thị Tiến, 72 tuổi, sáng tạo ra.
Trong khi những chiếc lồng bàn truyền thống đan từ những nan to, trông rất chắc chắn, bà Tiến làm cuộc cách mạng tạo ra chiếc lồng bàn như những sợi tơ kết vào nhau. Những chiếc đầu tiên họ đan 300 sợi nan dọc (công), về sau cải tiến cho sợi nhỏ như tơ, lên đến con số 1.200 công. Thời gian làm chiếc núm mất ba ngày, làm mâm mất 7 ngày và thêm 7 ngày đan khung. Nếu tập trung, một tháng cặp vợ chồng làm được hai chiếc.
Đầu năm 2010, chiếc lồng bàn của ông bà được Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam mang đi triển lãm. Chứng kiến hai người làm, những vị khách trong và ngoài nước thêm khâm phục sự tỉ mỉ, cầu toàn của ông bà. Trong ba năm liên tiếp từ 2012 đến 2014, ông bà được mời ra nước ngoài giao lưu, biểu diễn tay nghề. Tại một hội chợ ở Chiết Giang, Trung Quốc, mỗi khi cặp vợ chồng Việt “chuốt sợi như kéo đàn, đan nan mà như múa”, người xung quanh bỏ hết công việc, túm lại xem.
Đến nay, vợ chồng ông Khá cho ra đời khoảng 400 chiếc lồng bàn “màn tuyn”, hầu hết đều là hàng đặt. Hiện tại mỗi chiếc lồng bàn có giá 30 triệu đồng.
Mặc dù thị trường có nhu cầu, các con cháu muốn bố mẹ nghỉ ngơi nên hiện tại chỉ thi thoảng ông bà mới nhận làm. Từ đầu năm tới nay họ đan hai chiếc cho một vị khách Thái Lan và một chiếc cho người hàng xóm đi làm quà biếu. Thi thoảng họ lại nghiên cứu một sản phẩm mới. Và họ dự định sẽ làm một chiếc lồng bàn úp lên mâm lễ vật dạm ngõ.
Theo Vnexpress