Làng Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ được biết đến với 99 chiếc giếng cổ thiên tạo mang nhiều hình dáng kỳ lạ gắn với các truyền thuyết. Du lịch Hà Nội hãy ghé nơi đây để khám phá điều đặc biệt này!
Du lịch Hà Nội, đến thăm ngôi làng có 99 chiếc giếng cổ kỳ lạ
Làng cổ Yên Trường là chốn bình yên, đậm chất làng quê đồng bằng Bắc Bộ với những hình ảnh đặc trưng như cây đa, giếng nước, sân đình… Cách đây hàng ngàn năm, nơi đây đã gắn liền với câu chuyện về di tích Bãi Pháo, Bãi Giỗi – nơi Hai Bà Trưng đánh giặc. Điểm dễ nhận thấy nhất là bờ tường gạch đá ong vàng vẫn vững bền theo thời gian.
Cùng với cổng làng, cây đa, bờ tường đá ong thì những chiếc giếng là nơi gây ấn tượng với bất kì khách du lịch Hà Nội nào. Không biết từ bao giờ, bên trong ngôi làng Yên Trường, những chiếc giếng có hình thù kỳ lạ xuất hiện rải rác. Giếng không do ai xây dựng, tương truyền là do vó ngựa của Thánh Gióng đi đánh giặc tạo thành.
Không giống với các loại giếng khác, giếng cổ ở làng Yên Trường có hình thù kỳ lạ, quái dị, được cấu tạo theo dạng vòm bằng những khối đá ong sần sùi, xung quanh mọc nhiều cây dại bám sâu xuống tận lòng giếng. Do giếng hình thành tự nhiên nên miệng giếng dù vẫn hình tròn nhưng lòng giếng thì uốn lượn, hình dáng như bàn chân ngựa.
Từ xa xưa, khi bà con trong làng đi lấy nước giếng để sinh hoạt thì luôn có một “cây đuốc đưa đường” hay “những con đom đóm to bằng bàn tay” dẫn người làng ra tận sân giếng gánh nước. Xung quanh giếng có cây bàng và cây duối cổ thụ rất thiêng, không ai dám chặt. Chính vì vậy nguời dân đã lập miếu thờ bên cạnh giếng để tỏ lòng biết ơn Thần giếng.
Trước kia mặt giếng không xây cao lên như bây giờ, sau đó do làm đường và tránh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên hiện tại giếng được xây thành cao. Những người dân sinh sống quanh giếng vẫn sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Do giếng tự nhiên, mạch nước ngầm chắt ra từ phiến đá ong nên nguồn nước luôn luôn trong, mát và sạch sẽ.
Tuy nhiên, từ 99 chiếc giếng, ngày nay chỉ còn lại 6 chiếc giếng cổ, trong đó giếng xóm Chùa là chiếc giếng lớn nhất của làng cổ Yên Trường. Đối với người dân nơi đây, giếng cổ đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống. Do đó, mọi người luôn trân trọng, bảo tồn, giữ gìn những chiếc giếng còn sót lại.