Nhà hát múa rối Thăng Long nằm giữa Thủ đô, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, là nơi tái hiện bộ môn múa rối nước độc đáo, một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống xuất phát từ nền văn minh lúa nước.
Nhà hát múa rối Thăng Long – nơi tôn vinh nghệ thuật múa rối nước độc đáo
Nhà hát múa rối Thăng Long nhiều năm qua được biết đến như một địa điểm đặc biệt có sức hút kỳ lạ đối với du khách trong và ngoài nước. Nhà hát được thành lập vào tháng 10/1969 với tên gọi ban đầu là Đoàn Nghệ thuật Kim Đồng, có nhiệm vụ chuyên biểu diễn múa rối cạn phục vụ thiếu nhi Thủ đô. Năm 1975, đổi tên là Đoàn múa rối Hà Nội. Đến năm 1993 mới đổi tên như ngày nay.
Chỉ bắt đầu từ 9 diễn viên tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội, nay nhà hát đã có hai đoàn diễn viên và các phòng, ban chức năng, với lực lượng cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên… được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết. Họ có thể đảm nhận được nhiều vai diễn, sánh ngang với nghệ sĩ múa rối quốc tế.
Trong hơn 50 năm tồn tại, nhà hát múa rối Thăng Long không ít lần đứng trước nguy cơ phải giải thể vì tình hình tài chính khó khăn, diễn không người xem, lương nghệ sĩ không đủ sống. Nhưng do lòng yêu nghề, sự đoàn kết và ý thức giữ nghề của mỗi nghệ sĩ đã vực dậy nhà hát, đưa môn nghệ thuật độc đáo này đến gần hơn với công chúng.
Từ một đoàn nghệ thuật cơ sở vật chất nghèo nàn, đến nay nhà hát đã có rạp chuyên diễn rối nước với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khán giả. Rạp có gần 300 chỗ, khang trang thoáng mát. Nhà hát múa rối Thăng Long đã tạo được bước đi cho riêng mình, luôn đặt yếu tố dân tộc, truyền thống lên hàng đầu, chú trọng phát triển theo phương châm kế thừa nhưng không rập khuôn, luôn làm mới các tích trò cổ.
Nhà hát múa rối Thăng Long luôn là địa chỉ thu hút khán giả suốt cả năm. Nhà hát đã trở thành thương hiệu hàng đầu của nghệ thuật múa rối Việt Nam, là nhà hát duy nhất của Việt Nam giữ kỷ lục châu Á “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Nhà hát đã lưu diễn trên 40 quốc gia, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…
Trong quá trình đổi mới trong nghệ thuật, nhà hát múa rối Thăng Long đã cho ra đời của các vở diễn với nhiều hình thức, thể loại khác nhau, góp phần tôn vinh nghệ thuật múa rối nước. Nhà hát luôn khai thác, sáng tạo và phát triển không ngừng từ thiết kế sân khấu theo khuôn mẫu thủy đình truyền thống kết hợp với trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, đến đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp.
Một số tích trò múa rối nước tiêu biểu tại nhà hát hiện nay như chú Tễu, công việc nhà nông, sự tích Hồ Gươm, vinh quy bái tổ, múa tiên, hồn Trương Ba da hàng thịt… Ngoài ra, cũng có nhiều tiết mục ngắn được dàn dựng phục vụ thiếu nhi như: đấu vật, tiếng đàn Ta Lư, múa Chăm, dưới đáy đại dương, hồ Thiên Nga, Kalinca…
Theo iVIVU.com