Trải qua 10 năm dàn dựng, Tinh Hoa Bắc Bộ là sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam, là vở diễn văn hoá hàng đầu nhất định phải xem mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.
Tinh Hoa Bắc Bộ – Choáng ngợp trước sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam
Tại Tinh Hoa Bắc Bộ, các yếu tố dân gian truyền thống được trình diễn theo cách hiện đại và sáng tạo, mang đến cho người xem trải nghiệm đặc biệt về vùng châu thổ sông Hồng, trung tâm văn hóa của miền Bắc thời bấy giờ. Với ấp ủ quảng bá văn hóa bằng ngôn ngữ nghệ thuật, đây là vở diễn kết hợp những yếu tố thú vị như dàn diễn viên là người dân bản địa, hệ thống đạo cụ hỗ trợ quy mô lớn, sân khấu nước tựa lưng vào núi Thầy…
Tinh Hoa Bắc Bộ có 6 phân cảnh, dựa trên những câu chuyện thú vị khác nhau:
Thi ca
Lấy cảm hứng từ bài thơ “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến, bài dân ca “Tát nước đầu đình” và lời ru con Bắc Bộ, phân cảnh đầu tiên mở ra một không gian của làng quê Việt nhẹ nhàng và gần gũi. Hình ảnh các cô thiếu nữ, những anh trai tráng và màn đối của tuổi trẻ khiến phần mở đầu thêm sôi nổi. Cuộc sống của dân làng cũng gắn liền với những buổi lao động, được thể hiện qua hình ảnh các ngư dân đánh cá trên sông.
Cõi Phật
Phân cảnh tập trung nói về vị thiền sư Từ Đạo Hạnh – người đã sáng lập ra Chùa Thầy. Dân gian gọi ông là “Thầy” bởi người ta cho rằng trước khi tu hành ông từng là một thầy lang, chuyên chữa bệnh cho người nghèo khổ mà không lấy tiền. Ông còn dạy nhân dân cách trồng trọt và các trò chơi dân gian, điển hình là múa rối nước. Phân cảnh với sự xuất hiện huyền ảo của vị thiền sư giữa một vườn hoa sen lung linh sẽ để lại ấn tượng khó phai đối với người xem.
Hoài cổ
Phân cảnh này trong Tinh Hoa Bắc Bộ gợi nhớ hoàng thành Thăng Long xưa. Với cảnh mở đầu là hình ảnh các sĩ tử lều chõng đi thi. Một phần quang cảnh trường thi xưa được tái hiện lại trên sân khấu mặt nước rông hơn 4300m2. Truyền thống hiếu học, văn ôn võ luyện được thể hiện dưới nền nhạc hào hùng cùng sự ánh sáng hiện đại. Đây là phân cảnh giúp khán giả hiểu thêm về lịch sử đáng tự hào của dân tộc.
Nhạc họa
Lấy cảm hứng từ bài thơ Tranh Tố Nữ của Hồ Xuân Hương, trên nền mặt hồ tối, 4 bức tứ bình tố nữ xuất hiện mờ ảo. 4 cô gái thể hiện các loại nhạc cụ khác nhau trong âm nhạc truyền thống, bao gồm: Sáo, đàn tỳ bà, đàn nhị và đàn nguyệt. Đây là phân cảnh đẹp nhất khi đàn tiên nữ ùa vào sân khấu và thể hiện những điệu múa uyển chuyển trên mặt nước.
An vui
Tín ngưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin và những hoạt động trong đời sống người dân, đơn cử như tín ngưỡng thờ Thánh mẫu đệ Tam và tín ngưỡng Đạo Mẫu. Phân cảnh này cũng tái hiện lại cảnh ra đồng của người nông dân. Đôi tay thoăn thoắt gặt hái một mùa vụ bội thu. Tất cả sẽ được tái hiện đầy đủ từ âm thanh đến hình ảnh trên sân khấu của Tinh Hoa Bắc Bộ.
Ngày hội
Sau cuộc sống lao động thường ngày và tín ngưỡng đã được tái hiện ở 5 phần trước, đến phần này, toàn bộ những hoạt động lễ hội và trò chơi dân gian sẽ được mang đến cho khán giả. Từ làn điện Quan họ, các trò chơi dân gian đến tục rước kiệu Song Loan, Song Đình đều được mang lên sân khấu Tinh Hoa Bắc Bộ một cách sống động.
Theo iVIVU.com